Đang online: 14  |   Hôm qua: 1864  |   Lượt truy cập: 1753448
vi  en
Trang chủ > Chia sẻ > Trao đổi - Nghiên cứu
Trao đổi - Nghiên cứu

Hợp Đồng Học Việc - Một Hình Thức "Lách" Luật

Việc không tuân thủ Pháp luật lao động của Người sử dụng lao động (Doanh nghiệp) đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

HỢP ĐỒNG HỌC VIỆC- MỘT HÌNH THỨC “LÁCH” LUẬT LAO ĐỘNG

Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc trung tâm tư vấn và bồi dưỡng pháp Luật Kinh doanh- Trường Đại học kinh tế TP.HCM, Giám đốc Khoa & Associates.

Hiện nay rất nhiều đơn vị sử dụng lao động sau khi tiến hành thử việc 2 tháng thay vì ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc ký hợp đồng không xác định thời hạn. Thế nhưng, có nhiều đơn vị kinh doanh sau khi thực hiện xong  “thử việc”  thông thường 2 tháng thì họ ký “hợp đồng học việc” thông thường có thời hạn là 6 tháng. Trong thời gian này người sử dụng lao động sẽ chấm dứt hợp đồng học việc bất kỳ lúc nào hoặc đến hết thời hạn 6 tháng hợp đồng học việc họ sẽ ký hoặc không ký hợp đồng lao động chính thức. Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này người sử dụng lao động đã vi phạm nghiêm trọng Luật lao động, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trái với quy định tại Điều 22 Bộ Luật lao động về các loại hợp đồng lao động và  Điều 27 Thời gian thử việc.Thực chất, việc áp dụng hợp đồng học việc thời gian 6 tháng, đó là việc người sử dụng lao động tiếp tục thử việc thêm 6 tháng. Đồng thời, dựa vào quy định này người lao động hoàn toàn có quyền khởi kiện đơn vị sử dụng lao động ra Tòa án. Và một điều người lao động cần biết là họ sẽ không phải nộp bất kỳ án phí  nào khi tiến hành khởi kiện đơn vị sử dụng lao động ra Tòa án có thẩm quyền.

Điều 22: Các loại hợp đồng lao động:

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác”

Điều 27: Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.